EVN cam kết mua 23 triệu tấn than trong nước năm 2017 Trong năm 2017
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ cần khoảng 26 triệu tấn than, trong đó sẽ có hơn 23 triệu tấn là than nội địa, còn lại là nhập khẩu.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, EVN sẽ cần đến 36,5 triệu tấn than. Con số này của năm 2019 là gần 33 triệu tấn, năm 2018 khoảng gần 28 triệu tấn.
Trong đó, EVN cho biết lượng than mà đơn vị này sử dụng chủ yếu là than nội địa, số lượng than nhập khẩu sẽ rất nhỏ.
Hiện nay, EVN có 11/19 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất 6.014 MW, 2 nhà máy (với 2.324 MW) đang chạy thử nghiệm, phát điện thương mại cuối năm 2015; 4 nhà máy (với 3.704 MW) đang đầu tư xây dựng…
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) năm 2017 dự kiến sẽ phải nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn than cho sản xuất điện và sẽ tăng dần lên khoảng 70 triệu tấn vào năm 2030.
Mặc dù, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã giảm bớt nguồn nhiệt điện than và tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo (như điện gió, mặt trời…), song nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện và là giải pháp chủ đạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn (cụ thể, đến năm 2020, nhiệt điện than chiếm khoảng 40 - 43% và sẽ đạt khoảng 50% vào năm 2030).
PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, để các nhà máy nhiệt điện than hoạt động ổn định, hiệu quả cần phải có nguồn cung ứng than với khối lượng lớn, ổn định và lâu dài. Điều đó đòi hỏi phải có sự chuẩn bị sẵn sàng từ khâu xác định nhu cầu (kể cả dự phòng trong trường hợp nhu cầu sử dụng than tăng đột biến), xây dựng kế hoạch đầu tư, lập, phê duyệt và triển khai dự án xây dựng khai thác các mỏ than, đến việc chuẩn bị hệ thống vận chuyển, bốc dỡ, cảng biển, kho bãi... đảm bảo việc cung ứng than không bị gián đoạn.
Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng đề án cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện và giao nhiệm vụ cung cấp than ổn định, lâu dài cho các đơn vị chủ lực là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc - Bộ Quốc phòng (TCT Đông Bắc) trên cơ sở thỏa thuận giữa các đơn vị nhiệt điện than và các đơn vị cung cấp than theo cơ chế thị trường.
Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu và định hướng phát triển nhiệt điện than trên cơ sở khai thác tối đa nguồn than trong nước cho phát triển các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên sử dụng than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện khu vực miền Bắc.
Tin khác
- Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cung cấp giải pháp logistics thúc đẩy xuất nhập khẩu trực tiếp tại Nghệ An
- Dry Bulk Market Outlook 06/2022
- Giá dầu có thể lao dốc vào cuối năm 2017
- Tỷ giá 2017 không mất quá 2%, lãi suất khó giảm
- Thủ tướng sẽ ban hành tiêu chí doanh nghiệp nhà nước trong tháng 12
- Xuất khẩu gạo giảm kỷ lục trong gần 10 năm qua
- Công bố 3 luật vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV | Chính sách - Pháp luật
- OECD nâng dự báo kinh tế thế giới năm 2017