Dự báo ngành xi măng khó về đích sớm
Kết thúc 3 quý đầu năm 2016, sản lượng tiêu thụ xi măng mặc dù đã được đánh giá có sự cải thiện rất nhiều tại thị trường nội địa, xuất khẩu xi măng chỉ đạt mức duy trì so với các tháng trước, tuy nhiên, ngành xi măng vẫn được dự báo khó về đích sớm.
Dư thừa nguồn cung
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sản lượng tiêu thụ xi măng năm 2016 dự báo tăng so với năm trước vẫn không thể hoạt động hết công suất vì cầu trên thị trường không theo được cung.
Ông Trần Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cho rằng, tiêu thụ xi măng đang là vấn đề lớn của Vicem và các doanh nghiệp thành viên do thị trường dư thừa nguồn cung. Để cân đối cung - cầu, khơi thông thị trường, Vicem cũng yêu cầu các đơn vị thành viên quan tâm và sử dụng nguồn lực tối ưu nhằm bảo đảm cải thiện hệ thống nhà phân phối, tạo sự gắn kết và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Rà soát các chính sách bán hàng, nhất là chiết khấu và khuyến mại theo từng chủng loại sản phẩm, các thời điểm bán hàng. Đồng thời mở rộng tìm kiếm khách hàng lớn cho thị trường xuất khẩu xi măng.
Ngành xi măng vẫn được dự báo khó về đích sớm.
Nhận định thị trường xi măng trong thời gian tới, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam chia sẻ, đến năm 2018, công suất các nhà máy xi măng sẽ tăng lên đáng kể khi có nhiều dây chuyền mới bắt đầu đi vào sản xuất. Vì vậy, để cân đối cung - cầu cần có sự điều hành linh hoạt từ cơ quan quản lý Nhà nước, một mặt khuyến khích áp dụng công nghệ mới, thay thế các dây chuyền cũ, lạc hậu, mặt khác, không thể cho phép đầu tư tràn lan mà phải dựa trên cơ sở tính toán kỹ nhu cầu.
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu (Bộ Xây dựng) nhận định, các doanh nghiệp xi măng cần có những giải pháp sản xuất và tiêu thụ hợp lý, tránh gây thêm áp lực cho tiêu thụ trong nước. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy các chương trình sử dụng sản phẩm xi măng nhằm gia tăng sức tiêu thụ trong nước, bảo đảm sự phát triển ổn định của ngành xi măng.
Tiêu thụ nội địa tăng, xuất khẩu giảm
Theo thống kê của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2016, sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 55,25 triệu tấn. Đây là con số tăng trưởng khá với tốc độ tăng tương đối đều.
Tuy nhiên, xuất khẩu xi măng lại gặp khó khi cả mặt hàng clinker và xi măng chỉ đạt 11,7 triệu tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước sản xuất xi măng như Thái Lan, Trung Quốc…
Theo ông Nguyễn Quang Cung đánh giá, hiện Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về sản lượng sản xuất xi măng, nhưng thực tế lượng xi măng xuất khẩu của Việt Nam so với Thái Lan lại thấp hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, nước láng giềng Trung Quốc sau thời gian phát triển nóng đã dư thừa công suất khoảng 670 triệu tấn xi măng, lượng dư này gấp khoảng 8 lần tổng công suất xi măng của Việt Nam. Một trong những phương thức cạnh tranh của xi măng Trung Quốc là giá, khiến các doanh nghiệp xi măng của Việt Nam rất khó có cửa tại thị trường xuất khẩu.
Vừa qua, giữa tháng 10/2016, thị trường xi măng trong nước đã chính thức đón thêm 2 dự án mới đi vào vận hành đó là nhà máy Xi măng Sông Lam tại Nghệ An và dự án nhà máy Xi măng Long Sơn tại Thanh Hóa với tổng công suất lên tới 6,3 triệu tấn. Trong khi tiêu thụ xi măng nội địa chỉ tăng 7,7%, đây thực sự là áp lực mới cho thị trường xi măng trong nước vào những tháng cuối của năm 2016 và có thể sẽ kéo sang năm 2017.
Quỳnh Trang (TH/ Báo Công thương)
Tin khác
- Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cung cấp giải pháp logistics thúc đẩy xuất nhập khẩu trực tiếp tại Nghệ An
- Dry Bulk Market Outlook 06/2022
- Giá dầu có thể lao dốc vào cuối năm 2017
- Tỷ giá 2017 không mất quá 2%, lãi suất khó giảm
- Thủ tướng sẽ ban hành tiêu chí doanh nghiệp nhà nước trong tháng 12
- Xuất khẩu gạo giảm kỷ lục trong gần 10 năm qua
- Công bố 3 luật vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV | Chính sách - Pháp luật
- OECD nâng dự báo kinh tế thế giới năm 2017