Bán đấu giá nợ xấu, các AMC phải đứng ngoài
Chiều ngày 17-11 Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam (hiện nay đó là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC) đã được đưa vào luật này.
Giải thích lý do quy định việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn yêu cầu tại Nghị quyết số 05-NQ của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhấn mạnh việc giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của VAMC trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ.
Bên cạnh đó, các quy định bán đấu giá nợ xấu trong luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung lại cho chặt chẽ, minh bạch, khách quan... tránh thất thoát tài sản nhà nước (trong quá trình đấu giá). Ví dụ, luật này không cho phép VAMC bán đấu giá theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, từ góc độ xử lý nợ xấu, tình trạng hiện tại của luật còn một số tồn tại lớn.
Đó là, luật chỉ chọn và cho phép duy nhất VAMC được đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu mà hoàn toàn không đề cập đến các tổ chức xử lý nợ xấu (AMC) khác của các ngân hàng thương mại. Như đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn giải, mục đích quy định đấu giá xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu của VAMC là để tạo thẩm quyền và nâng cao năng lực xử lý nợ xấu của VAMC. Nhưng mục đích thực sự cuối cùng là để nhằm giải quyết nhanh nợ xấu theo cơ chế thị trường.
Bởi vậy, nếu song song với VAMC, luật quy định thêm các AMC khác cũng được đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại mà chúng nắm giữ thì rõ ràng quá trình xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng càng được đẩy nhanh. Đây là một điều tốt và là mong muốn không chỉ của các ngân hàng mà cả toàn xã hội. Vậy, không hiểu vì lý do gì mà các AMC của các ngân hàng thương mại lại không được trao quyền như với VAMC, biến quyền được đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo khoản nợ xấu trở thành một đặc quyền cho VAMC.
Nếu cho rằng chỉ có VAMC mới cần thiết, mới có đủ khả năng (hay trong mắt của giới quản lý là đáng tin cậy hơn, dễ quản lý hơn so với các AMC) thực hiện đấu giá nợ xấu thì hoàn toàn không chính xác. Nhu cầu xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại và các AMC của họ cũng rất cấp bách, thậm chí còn hơn cả VAMC, vì nợ xấu tồn tại ngày nào thì các ngân hàng thương mại thiệt hại ngày đó vì phải trích lập dự phòng xử lý nợ xấu, vì vốn bị chôn trong nợ xấu. Nếu VAMC xử lý được nợ xấu thì tốt, và thu được thù lao xử lý nợ xấu từ các ngân hàng thương mại; không xử lý được thì cứ để ở đó mà chẳng phải chịu tốn phí gì cả vì nợ xấu không phải là của VAMC mà thực chất chỉ được họ giữ hộ các ngân hàng thương mại mà thôi, nên động lực phải giải quyết nợ xấu không bằng các ngân hàng cũng như các AMC.
Trên hết và quan trọng hơn, vai trò của pháp luật là để điều chỉnh và chế tài tất cả các hành vi của các đối tượng được chế tài nên tất cả những quan ngại và lo sợ về việc trao quyền (và nghĩa vụ) tương đương cho các AMC như với VAMC hoàn toàn có thể hóa giải được bằng việc ban hành và thực thi nghiêm túc các điều luật liên quan, như những quy định cho VAMC. Trên khía cạnh này, việc “lờ” các AMC trong việc được đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo khoản nợ xấu càng trở nên khó hiểu.
Một tồn tại khác trong luật là dường như không nhận thức, đánh giá đúng được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đấu giá, chuyển giao sở hữu tài sản, nhất là tài sản đảm bảo khoản nợ xấu. Ví dụ, luật quy định VAMC có nghĩa vụ giao tài sản đấu giá và các giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá. Nhưng liệu người mua được tài sản đấu giá sau khi cầm được tất cả các giấy tờ liên quan đến tài sản này, gồm có sổ đỏ nếu tài sản đấu giá là mảnh đất, có sang tên chủ sở hữu thành của mình được hay không thì lại là chuyện khác, không có gì đảm bảo là việc này sẽ thành công, trong trường hợp, ví dụ, người chủ cũ nhất quyết không chịu làm thủ tục sang tên.
Do vậy, chừng nào Luật Đấu giá tài sản không có quy định liên quan, ví dụ, cho phép các cơ quan chức năng công nhận chủ sở hữu mới các tài sản bảo đảm nợ xấu sau quá trình đấu giá mà không cần người chủ mới này phải làm thêm thủ tục sang nhượng quyền sở hữu từ chủ cũ thì chừng đó luật này cũng chỉ phát huy tác dụng trong một số trường hợp hãn hữu nhất định.
Tin khác
- Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cung cấp giải pháp logistics thúc đẩy xuất nhập khẩu trực tiếp tại Nghệ An
- Dry Bulk Market Outlook 06/2022
- Giá dầu có thể lao dốc vào cuối năm 2017
- Tỷ giá 2017 không mất quá 2%, lãi suất khó giảm
- Thủ tướng sẽ ban hành tiêu chí doanh nghiệp nhà nước trong tháng 12
- Xuất khẩu gạo giảm kỷ lục trong gần 10 năm qua
- Công bố 3 luật vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV | Chính sách - Pháp luật
- OECD nâng dự báo kinh tế thế giới năm 2017