Áp lực lạm phát 2 tháng cuối năm
Mục tiêu kiểm soát lạm phát (CPI) dưới 5% đang gặp nhiều áp lực khi “dư địa” cho mức tăng CPI hai tháng cuối năm chỉ còn là 1%, trong khi đó kế hoạch tăng giá dịch vụ y tế vẫn được tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, lạm phát cả năm dự báo sẽ đạt mức khoảng 5,0%.
Đây là nhận định đáng chú ý của Báo cáo kinh tế vĩ mô vừa được Công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello công bố. Phân tích về diễn biến lạm phát, báo cáo này dẫn lại số liệu của CPI vừa được công bố. Theo đó, CPI tháng 10/2016 của cả nước tăng 0,83% so với tháng trước và 4,09% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sự tăng giá của các hàng hóa do Nhà nước điều chỉnh. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất (10,07%) do có 15 tỉnh, thành phố thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình. Giá xăng dầu cũng tăng 2 lần trong tháng 10 (lần lượt tăng 172 và 441 đồng/lít) và giáo dục tăng nhẹ 0,61% do một số tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện điều chỉnh học phí. Trước tình hình CPI có thể tăng trong những tháng cuối năm gần tết Nguyên Đán, Chính phủ và NHNN đã bắt đầu có các biện pháp đối phó. Thủ tướng và Phó Thủ tướng đều đã có những chỉ đạo trong tháng về kiểm soát lạm phát dưới 5%, không tăng giá điện trong 2 tháng còn lại và giảm phí BOT ở các trạm thu phí. Ngoài ra, việc tăng giá dịch vụ y tế cũng sẽ không áp dụng cho những người không có bảo hiểm y tế trong năm nay. Sau 2 tháng duy trì ở mức trên 20%, tăng trưởng cung tiền tháng 8 đã điều chỉnh giảm chỉ còn 19,5% so với cùng kỳ năm 2015. Theo ước tính, tăng trưởng cung tiền có thể đã giảm xuống chỉ còn 19% so với cùng kỳ năm trước hoặc thấp hơn trong tháng 9. Đây đều là những dấu hiệu cho thấy NHNN đang có những bước thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Bên cạnh áp lực lạm phát, báo cáo của Công ty MarketIntello nêu điểm nhấn về thực trạng ngân sách nhà nước. Theo đó, ngân sách Trung ương gặp nhiều khó khăn, việc điều chỉnh tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại của các địa phương vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Trong phiên họp thường kỳ thứ 2 của Quốc hội, chính sách điều chỉnh tỷ lệ phân chia nguồn thu từ các sắc thuế giữa Trung ương và địa phương do Bộ Tài chính đưa ra gặp khá nhiều ý kiến phản đối từ những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước như Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội. Tỷ lệ thu ngân sách thấp hơn có thể gây ra tình trạng thiếu nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dẫn tới làm suy giảm sự phát triển của các đầu tàu kinh tế, đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Bên cạnh đó, đề xuất của NHNN sử dụng NSNN để xử lý nợ xấu trong đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 cũng đang gặp nhiều ý kiến phản đối. Giữa hai lựa chọn tăng trưởng và ổn định vĩ mô, nhận định của Marketintello là Chính phủ và NHNN sẽ ưu tiên ổn định vĩ mô hay vì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2016.
Từ phân tích trên, Công ty này dự báo, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực dù kém hơn so với năm 2015. Lạm phát sẽ tăng dần trong những tháng cuối năm nhưng nhờ các biện pháp kiềm chế của NHNN sẽ vẫn được giữ trong mức mục tiêu. Kết quả là, lạm phát cả năm sẽ đạt mức khoảng 5% do những diễn biến gần đây của giá cả và chính sách nới lỏng tiền tệ được thực hiện từ đầu năm tới nay. Nếu NHNN không điều chỉnh thu hẹp cung tiền trong những tháng cuối năm thì mức lạm phát có thể sẽ cao hơn.
Lê Trà – Vietnam Economic Times
Tin khác
- Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cung cấp giải pháp logistics thúc đẩy xuất nhập khẩu trực tiếp tại Nghệ An
- Dry Bulk Market Outlook 06/2022
- Giá dầu có thể lao dốc vào cuối năm 2017
- Tỷ giá 2017 không mất quá 2%, lãi suất khó giảm
- Thủ tướng sẽ ban hành tiêu chí doanh nghiệp nhà nước trong tháng 12
- Xuất khẩu gạo giảm kỷ lục trong gần 10 năm qua
- Công bố 3 luật vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV | Chính sách - Pháp luật
- OECD nâng dự báo kinh tế thế giới năm 2017